Từ lâu cà phê Chồn đã trở thành một thức uống của huyền thoại. Vì với người sành điệu, đi tìm một quán cà phê ở Sài Gòn hay Hà Nội có bán cà phê Chồn để thưởng thức là điều không thể. Mà nếu bạn ở ngay thủ phủ của cây cà phê thì bạn cũng chỉ nghe kể. Vậy đâu là địa chỉ của cà phê Chồn? Loạt bài viết này nhằm mời bạn đến với địa chỉ đó.
Kỳ 1: Truyền thuyết về cà phê
Cuối thế kỷ XVI, khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến vùng cao nguyên Êthiopia xa xôi của châu Phi để truyền giáo. Họ thấy rất khá nhiều thổ dân bị căn bệnh buồn ngủ. Người bị bệnh này lúc nào cũng thấy uể oải, lờ đờ và có cảm giác thường xuyên buồn ngủ. Họ có thể ngủ trong lúc đang đi lấy nước ngoài suối hay đang làm những công việc lao động giản đơn, mặc dầu họ đã ngủ nhiều hơn gấp 2-3 lần người khác hay thậm chí đã ngủ suốt cả ngày. Vì thế những người mắc bệnh này làm việc có hiệu quả rất thấp hay có thể rất nguy hiểm như trong lúc đang săn bắn chẳng hạn…Bệnh do một loại ruồi sống bằng chích hút máu các con vật lớn như trâu, bò, lạc đà, ngựa …Trong lúc chích hút, ruồi tiết ra một loại độc tố làm cho máu không đông. Chính loại độc tố này đã làm các con vật không ngủ được, ốm dần. Đồng thời ở nơi vết chích máu cứ rỉ ra ngày này sang ngày khác làm cho con vật kiệt sức rồi chết. Khi số gia súc bị ít dần mà đàn ruồi sinh sản ngày càng nhiều lên nên đã dẫn đến việc chúng tấn công cả sang con người để chích hút máu.
Các thầy lang địa phương đã chữa bệnh này bằng cách hái một loại quả nhỏ như quả anh đào, bóc lấy hạt bỏ lên bếp lửa nướng cháy. Đến khi quả tỏa ra một mùi thơm liền đưa cho người bệnh nhai nát ra và nuốt. Điều làm cho các giáo sĩ và các thầy thuốc phương Tây đáng ngạc nhiên hơn là chỉ một lát sau người bệnh trông khỏe hẳn ra, ăn nói huyên thuyên và nhảy múa một cách thoải mái đầy phấn khích. Một số thổ dân không bị bệnh cũng lấy hạt đã nướng nhai nuốt và cho thấy một kết quả tương tự.
Cũng cần phân biệt một loại bệnh buồn ngủ của người mà nguyên nhân chính là do thiểu năng tuần hoàn não. Do lượng máu được bơm lên não bộ hạn chế nên não bị thiếu oxy làm cho người bệnh thường xuyên có cảm giác thiếu ngủ. Bệnh rất nguy hiểm đối với những người làm các công việc đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao độ như lái xe chẳng hạn.
Từ đó hạt cà phê được đưa về Châu Âu nhưng phải hơn thế kỷ sau mới trở thành một thức uống trước tiên là phục vụ cho giới quý tộc cung đình rồi dần dần mới lan tỏa trong dân gian.
Nếu cây cà phê được di thực qua Châu Á bởi người Bồ và người Pháp thì lại đi theo người Tây Ban Nha sang Nam Mỹ vào cuối thế kỷ XVIII. Rất nhanh chóng, cây cà phê đã trở thành cây bản địa bởi nhờ sự thích hợp của khí hậu và thổ nhưỡng ở những vùng đất thuộc địa này.
Có một truyền thuyết nữa được lưu truyền trong thế giới Ả rập do những đoàn thương nhân phương Tây kể lại khi đưa cà phê là một thứ đồ uống mới từ vùng Cận Đông về Châu Âu. Người Ả rập cho rằng một số con dê trong những đàn dê của thổ dân Bắc Phi được chăn thả tự nhiên đã nhảy nhót một cách vui vẻ không biết mệt mỏi đến tận đêm khuya sau khi ăn một loại quả chín trên các cây mọc tự nhiên dưới tán rừng già. Và hầu như mỗi lần được thả ra số con dê đó cũng nhanh chóng chạy vào rừng tìm ăn loại quả kỳ lạ ấy. Các thầy tu của một tu viện gần đó đã thử uống nước ép ra từ loại quả đó và tỉnh táo cầu nguyện chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Từ đó truyền thuyết cho rằng con người đã biết đến cây cà phê là nhờ những đàn dê của thổ dân này.
Tuy nhiên truyền thuyết này thiếu tính hợp lí vì quả cà phê với lớp xen-lu-lô tạo thành vỏ bao bọc nhân nên không thể tiêu hóa trong bao tử của bất kì loài động vật nào (nên mới có cà phê Chồn). Và quả cà phê nếu không được rang hay nướng chín lên thì không chuyển hóa được chất cafein để tạo thành một chất kích thích thần kinh.
Nhưng không phải thổ dân Châu Phi mà chính người Ả rập đã tìm ra cách pha chế loại quả ấy thành một thứ đồ uống từ cuối thế kỷ XV mà về sau được họ đặt cho cái tên là cà phê.
Nguyễn Vịnh
Cư Kuin – Đaklak
Cư Kuin – Đaklak